Đá lửa Bật_lửa

Đá lửa dùng trong các loại bật lửa là hợp kim sắt-xêri (ferrocerium), nó có khả năng tạo ra tia lửa khi bị cào xước trên một bề mặt ráp (khả năng dẫn lửa). Nó còn được biết đến như là kim loại Auer theo tên người phát minh ra nó là Nam tước Carl Auer von Welsbach, nó được bán dưới các tên thương phẩm như là Blastmatch, Fire steel (thép lửa), và Metal-match (diêm kim loại).

Nguyên lý tạo tia lửa của nó là do ma sát khi đá lửa bị mài mòn tức thời. Nguyên lý này tương tự như nguyên lý tạo lửa từ đá lửa của người tiền sử và thời cổ đại, nhưng khác ở chỗ trong các loại "đá lửa" của người tiền sử và thời cổ đại thì đá lửa cắt vật thể khác có độ cứng thấp hơn, còn trong loại đá lửa hiện đại này thì chính nó bị vật khác cắt.

"Đá lửa" trong các bật lửa được chế tạo từ các kim loại đất hiếm, thông thường từ xêri hay các kim loại khác trong nhóm này, chúng là các kim loại có nhiệt độ đánh lửa thấp (150-180 °C). Do các mảnh nhỏ dễ đánh lửa hơn nên các thuộc tính cơ học của các kim loại đất hiếm cần được điều chỉnh sao cho chúng dễ sử dụng; để làm được điều này có hai hướng để tạo ra các hợp kim giòn hơn:

  • Ôxít - phần lớn các loại đá lửa hiện đại được làm cứng bằng ôxít sắt (khoảng 20%) và ôxít magiê (khoảng 2%).
  • Kim loại trung gian - trong hợp kim nguyên thủy của Nam tước von Welsbach, 30% sắt (ferrum) được thêm vào xêri (cerium) tinh khiết, vì thế có tên gọi "ferro-cerium". Sắt phản ứng với kim loại đất hiếm để tạo ra các hợp chất kim loại trung gian cứng, tương tự như các chất có trong nam châm neôđim (neodymium); các loại nam châm này cũng rất dễ phát sinh ra các tia lửa khi bị vỡ đột ngột.